Trong thời đại hiện nay, nâng ngực là một phương pháp thẩm mỹ phổ biến và được chị em ưa chuộng. Tuy nhiên, việc chăm sóc và kiểm tra định kì túi ngực thường là thắc mắc của nhiều chị em sau phẫu thuật. Liệu có nên đi khám định kì túi ngực nếu như chưa có triệu chứng gì và nếu khám định kì thì sẽ phải làm những xét nghiệm gì? Hãy cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích trong bài viết dưới đây nhé!
Đầu tiên, sau khi đặt túi ngực bao lâu thì bạn nên đi kiểm tra túi ngực?
FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) khuyến cáo việc kiểm tra túi ngực silicone bằng chụp cộng hưởng từ tuyến vú 3 năm sau phẫu thuật đặt túi ngực và mỗi 2 năm một lần sau đó.
Đây là phương pháp để kiểm tra việc rách “im lặng” của túi ngực. Rách “im lặng” là gì? Rách “im lặng” là rách túi ngực bên trong bao xơ, thường không có triệu chứng hay biểu hiện gì nên được gọi là rách “im lặng”.
Ngày nay, túi ngực silicone được tạo thành bởi chất gel cứng hơn, cho nên có thể giữ được hình dáng của túi ngay cả sau khi vỏ túi bị rách, chính vì vậy, rách túi ngực silicone rất khó để phát hiện nếu thiếu sự trợ giúp của các công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Trên thực tế khách hàng có thể đã bị rách túi ngực trong nhiều năm mà không hề biết.
Trong trường hợp rách túi ngực trong bao xơ hay rách “im lặng”, nếu bao xơ còn nguyên vẹn, silicone sẽ không chảy ra ngoài bao xơ, nhưng điều tốt nhất là nên lấy túi ngực bị rách ra ngoài để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Nên đi kiểm tra túi ngực nếu có bất kì triệu chứng đau ngực hoặc sưng nề, thay đổi về hình dáng của ngực, hoặc khi cả hai bầu ngực đều cảm giác quá cứng.
Việc chú ý đến hình dáng, độ mềm của ngực và kiểm tra ngực khi có điều gì đó bất thường là việc rất quan trọng. Dưới đây là một số triệu chứng có thể xảy ra và khách hàng cần lưu ý:
– Ngực cứng không tự nhiên hoặc tròn bất thường, có thể kèm theo đau là biến chứng có thể gặp, thông thường là do co kéo của bao ngực, khoảng 1/10 khách hàng có thể gặp biến chứng này ở các mức độ khác nhau. Những ca nhẹ có thể điều trị không cần phẫu thuât, những ca nặng hơn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ túi ngực cũ và vỏ xơ của vú (mô sẹo) và thay thế một túi ngực mới nếu khách hàng có nhu cầu.
– Đau ngực kèm theo sưng hoặc ứ dịch bên trong là những triệu chứng của bệnh lý u lympho tế bào lớn không biệt hóa có liên quan tới đặt túi ngực, là một bệnh lý ung thư rất hiếm của hệ miễn dịch, rất hiếm khi xảy ra tình trạng này, ở 1/3800 tới 1/30000 khách hàng có đặt túi ngực. Điều trị bằng cách phẫu thuật lấy túi ngực và bao xơ ra.
Điểm quan trọng là không được bỏ qua bất cứ thay đổi hay triệu chứng gì xảy ra ở ngực, kể cả nếu bạn không có túi ngực. Các dấu hiệu bất thường nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị càng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nếu tất cả mọi thứ đều ổn, bạn vẫn cần thăm khám bác sĩ để kiểm tra định kì sau vài năm.
Ngay cả khi bạn hài lòng với túi ngực của mình, việc thăm khám với bác sĩ để kiểm tra là rất quan trọng:
– Túi ngực không tồn tại mãi mãi: Mặc dù có những khách hàng có thể giữ túi ngực trên 20 năm nhưng túi ngực không phải là một vật liệu trọn đời. Cuối cùng, túi ngực của bạn vẫn nên được thay thế. Nguy cơ rách túi ngực sẽ tăng nhanh sau 10 năm đầu tiên, vì thế ít nhất bạn cần thăm khám bác sĩ sau 10 năm phẫu thuật.
– Ngực và cơ thể của bạn sẽ thay đổi theo thời gian: Mang thai, cho con bú, thay đổi cân nặng hoặc quá trình lão hóa tự nhiên sẽ làm thay đổi mô vú. Khi thời gian trôi đi, túi ngực của bạn sẽ không có hình dạng và cảm giác như trước. Khi thăm khám với bác sĩ sẽ cho bạn cơ hội để thảo luận với bác sĩ và cải thiện tình trạng túi ngực của bạn.