(Dân trí) – Cha mẹ dẫn con đi phẫu thuật thẩm mỹ không còn là xa lạ ở nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam những năm gần đây hiện tượng đó cũng đã xuất hiện.
Phụ huynh đầu tư cho con dùng dao kéo để tu sửa nhan sắc như một món quà
Tại Hàn Quốc, nơi mà ngành công nghiệp thẩm mỹ đang đứng đầu trên thế giới, xu hướng này đã bùng nổ mạnh mẽ từ lâu. Những năm gần đây ở Việt Nam hiện tượng này cũng đã xuất hiện, không giống như trước đây, nhiều bậc phụ huynh đã đồng ý cho con mình dao kéo để cải thiện ngoại hình.
Thu Hằng (sinh viên Học viện Ngân hàng) kể rằng: “Từ khi lên cấp 3 mình đã bắt đầu cảm thấy tự ti về chiếc mũi trên khuôn mặt. Mình có bày tỏ nguyện vọng muốn được sửa mũi với bố mẹ.
Ban đầu mình không nhận được sự đồng ý, tuy nhiên sau khi đỗ đại học mẹ còn dẫn mình đi nghe tư vấn. Khá bất ngờ là khi đến bệnh viện đã gặp rất nhiều bạn trẻ như mình, ai cũng có mong muốn được cải thiện khuyết điểm”.
Theo một bác sĩ Khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện 108, xã hội ngày càng coi trọng vẻ ngoài nên có nhiều phụ huynh đưa con mình đến đây để làm các dịch vụ làm đẹp như nâng mũi, cắt mí…
Thậm chí một bà mẹ đã dẫn con gái sinh năm 2004 đến để thực hiện dịch vụ nâng ngực.
Bác sĩ cho hay, đây là món quà động viên được bố mẹ tặng cho con. Vài tháng trước khi vào đại học hoặc trong kỳ nghỉ hè thường là lúc các em lựa chọn làm phẫu thuật vì lúc này sẽ có thời gian để hồi phục trước khi nhập học.
Thùy Dương (21 tuổi) là một cô gái với nguyện vọng có được đôi mắt hai mí to tròn như nhiều bạn nữ khác.
Tại phòng khám, Dương không chỉ cắt mí. Theo sự tư vấn, gợi ý rất nhiệt tình của bác sĩ, cô đã tiêm thêm filler cho mũi cao hơn và độn cằm. Dù trước đó theo nhận xét của mọi người, cô đã có một khuôn mặt khá ưa nhìn.
Dương cũng kể thêm, bạn của cô dù mới 20 tuổi nhưng đã phải sửa mũi đến lần thứ 3 vì 2 lần trước đó do nâng quá cao nên bị tụt sụn, sống mũi sờ vào có thể thấy rằng đang lung lay.
Ngọc Minh (19 tuổi) mới sang Hàn Quốc du học được 3 tháng là một trường hợp gây chú ý. Mục đích cô chọn Hàn Quốc để du học không phải vì ngôi trường đại học mình thích mà cô muốn sang đây kết hợp làm việc kiếm tiền để phẫu thuật thẩm mỹ.
Nữ du học sinh muốn có dáng mặt thon gọn như Jisoo, nữ ca sĩ của nhóm nhạc Black Pink. Cô nàng tiết lộ bố mẹ mình không hề biết đến dự định này.
Vẻ bên ngoài thật sự có quan trọng?
Bất kỳ phụ nữ hay đàn ông, ai cũng mong muốn được đẹp hơn. Nhiều phụ huynh quan niệm rằng sắc đẹp có vị thế quan trọng trong xã hội, gương mặt có thể ảnh hưởng đến sự thành công của con họ trong tương lai.
Cô Lan Hương (Ba Đình, Hà Nội) – một người mẹ chia sẻ quan niệm của mình với PV báo Dân trí: “Theo cô, xã hội bây giờ phát triển nên không nhất thiết đến độ tuổi trưởng thành mới có thể làm đẹp. Cô cũng cho con đi làm mũi bởi con bé luôn tự ti về mũi mình từ bé.
Cô nghĩ sắc đẹp cũng có sự ảnh hưởng trong cuộc sống, nhất là trong giao tiếp hay công việc. Tuy nhiên, cần có giới hạn bởi can thiệp quá sâu có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Hạ Chi (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng kể lại câu chuyện cô vừa trải qua: “Từ khi còn học phổ thông, mình đã có nhận thức về việc bị phân biệt đối xử vì ngoại hình. Các bạn gọi mình là “con béo mắt híp” bởi mình có thân hình mập và mắt một mí. Thậm chí lên năm thứ nhất đại học, chuyện như vậy vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, sau tất cả mình nghĩ rằng ngoại hình không phải yếu tố quyết định tất cả. Mình quyết định giảm cân từ 80kg xuống còn 50kg. Chỉ vậy thôi mà đã có sự thay đổi rõ rệt, đôi mắt một mí bây giờ mới là điểm đặc biệt nhất. Mọi người ai cũng khen xinh nên mình vui lắm. Sự rèn luyện và cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mới là điều quan trọng”.
“Các bạn trẻ hiện nay đang muốn thẩm mỹ để chạy theo các chuẩn mực về vẻ đẹp như mũi cao, mắt to, môi trái tim… Mỗi người sinh ra đều mang cho mình một nét đẹp riêng và ta cần tự hào về điều đó. Với mình, con gái Việt Nam rất xinh và mình thích vẻ đẹp tự nhiên đó.
Có rất nhiều cách để đẹp lên mà không nhất thiết phải nhờ sự can thiệp dao kéo như học trang điểm này, tập thể dục thường xuyên, học cách ăn mặc sao cho hợp mốt…”, Hồng Ngọc – nữ sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ suy nghĩ về trào lưu thẩm mỹ hiện nay.
Giá trị con người không chỉ được thể hiện qua vẻ đẹp hình thức mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn. Ham muốn chạy theo phẫu thuật thẩm mỹ đôi khi chính là cám dỗ khiến ta trở thành nô lệ cho hình thức bên ngoài mà quên mất nét đẹp bên trong, đó là quan điểm của nữ sinh này.
Những mặt tối và rủi ro
Áp lực xã hội mong muốn được công nhận nhan sắc luôn đi kèm với nhiều hậu quả tiêu cực. Các nhà tâm lý học và bác sĩ phẫu thuật lo ngại rằng nhiều bệnh nhân không hoàn toàn nắm bắt được mức độ nghiêm trọng hoặc rủi ro tiềm ẩn của việc phẫu thuật thẩm mỹ.
Anne Wallace, trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại Đại học California, hệ thống Y tế San Diego, cho biết: “Mọi người nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản giống như đi ăn một bữa trưa. Nhưng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, nó cần được thực hiện nghiêm túc”.
Wallace cho biết bất cứ khi nào bạn can thiệp vào sự cân bằng của cơ thể, bạn sẽ có nguy cơ tạo ra những vùng có vấn đề mới.
Theo Joseph Hullet – bác sĩ tâm thần và Giám đốc y tế cấp cao của OptumHealth, sự biến đổi tâm lý chung sau phẫu thuật bắt đầu với sự trầm cảm khi hồi phục, sau đó chuyển sang giai đoạn khi bạn có thể nhìn thấy kết quả nhưng nó nhanh chóng biến thành một mức độ thất vọng nào đó.
Những người ảo tưởng rằng sự thay đổi ngoại hình có thể thu hút thêm nhiều sự chú ý, thăng tiến trong công việc hoặc gặp gỡ nhiều đối tác hấp dẫn thường bị thất vọng bởi thực tế không như vậy. Hơn nữa, những kỳ vọng về cái đẹp của họ có thể tăng lên. Ngay cả khi ca phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi và có sự thay đổi tốt nhưng họ vẫn thất vọng khi kết quả chưa hoàn hảo như ý muốn.
Nguy hiểm hơn, nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không đảm bảo được chất lượng. Người làm thẩm mỹ thậm chí còn có thể đối mặt với nguy cơ mất mạng.
Nhiều bạn trẻ nôn nóng muốn được thay đổi diện mạo nhanh chóng nên tìm đến các cơ sở được chạy quảng cáo nhiều trên mạng xã hội với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà không tìm hiểu kĩ về bác sĩ hay thẩm quyền hoạt động.
Ngày 14/1 vừa qua, một cô gái 22 tuổi quê Long An được bạn giới thiệu đến nâng mũi ở một cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép tại quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, sau 2 tháng hôn mê cô đã qua đời. Vụ việc đã gây chấn động và tạo nên sự bàng hoàng cho dư luận.
Phẫu thuật thẩm mỹ là việc bình thường trong xã hội hiện nay, tuy nhiên chúng ta không nên quá phụ thuộc vào nó bởi bất cứ sự tác động nào lên cơ thể con người cũng đều có mặt trái. Tuy không thể phủ nhận tầm quan trọng của hình thức trong cuộc sống, nhưng vẻ bề ngoài chỉ thoáng qua theo năm tháng mà thôi. Con người còn cả một thế giới nội tâm phong phú, mảnh đất ấy mới là nơi cần ta chăm chút.