Hút mỡ vượt nâng ngực thành phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất thế giới

TPO – Hút mỡ đã vượt qua nâng ngực để trở thành hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất thế giới trong bối cảnh gia tăng lo ngại về mối liên hệ giữa cấy ghép với ung thư, theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế (ISAPS).

Quy trình tạo đường nét, sử dụng lực hút để loại bỏ mỡ thừa chiếm 14,8% tổng số ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ tương đương đối với nâng ngực chỉ còn hơn 13%.

Hơn 30 triệu ca phẫu thuật và thủ thuật thẩm mỹ được thực hiện năm 2021, tăng 19,3% so với năm trước.

Dữ liệu được công bố hôm 10/1 như một phần của cuộc khảo sát hằng năm mới nhất của ISAPS cho thấy rằng, ngành phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ phục hồi sau hai năm suy giảm liên tiếp liên quan COVID-19 mà còn phát triển vượt xa mức trước đại dịch.

Tổng số ca phẫu thuật đã tăng hơn 33% từ năm 2017 đến năm 2021, trong khi các quy trình không phẫu thuật (phổ biến nhất trong số đó là tiêm botulinum toxin, hay Botox) đã tăng hơn 54% trong cùng thời kỳ.

Số ca nâng ngực cũng tăng nhẹ (0,5%) trong bốn năm đó. Nhưng TS Gianluca Campiglio (người biên tập báo cáo của ISAPS) đã chỉ ra một sự suy giảm tương đối khi so sánh với các loại phẫu thuật, thủ thuật khác.

Hút mỡ vượt nâng ngực thành phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất thế giới ảnh 1

Khu vực hút mỡ phổ biến. Hình ảnh: Expert Chikitsa Bangalore.

Ông liên kết xu hướng này với mối lo ngại về BIA-ALCL, một dạng ung thư hạch không Hodgkin (u lympho không Hodgkin) – một loại ung thư của hệ thống miễn dịch – được cho là do cấy ghép.

Ông Campiglio, hiện là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Ý, cũng nhấn mạnh sự gia tăng đột biến về số lượng bệnh nhân tìm cách loại bỏ túi độn ngực, một loại phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng gần 50% trên toàn cầu trong 4 năm qua.

Trong một thông cáo báo chí, ông Campiglio nhận định: “Mức tăng chậm lại trong số ca nâng ngực và việc loại bỏ miếng độn sau khi được nâng ngực phản ánh ghi nhận của chúng tôi sau khi công bố các báo cáo về BIA-ALCL trong năm trước”.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc da liễu thường thực hiện quy trình hút mỡ trên hông, bụng, đùi, mông, lưng, cánh tay và dưới cằm hoặc mặt. Nhưng hút mỡ cũng có thể được thực hiện với các phẫu thuật thẩm mỹ khác, bao gồm nâng cơ, thu nhỏ ngực và thu gọn bụng. Các bác sĩ khuyên không nên thực hiện thủ thuật này nếu có vấn đề về sức khỏe với lưu lượng máu hoặc mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch kém.

Hút mỡ vượt nâng ngực thành phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất thế giới ảnh 2

Hút mỡ, tạo hình mũi và thành bụng, xẻ mí tăng mạnh

Ông Campiglio đã báo trước việc gia tăng các ca hút mỡ vì nhiều người quan tâm hơn đến đường nét cơ thể. Hơn 1,9 triệu ca hút mỡ đã được ghi nhận trên toàn thế giới vào năm 2021, tăng gần 25% so với năm trước.

Một trong những phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến khác là tạo hình mũi và tạo hình thành bụng. Phẫu thuật mí mắt là thủ thuật phổ biến thứ ba trên thế giới vào năm 2021 và phổ biến nhất ở nam giới.

Căng da đùi là hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phát triển nhanh nhất thế giới, tăng hơn 53% so với năm 2020. Báo cáo cũng nhấn mạnh “sự gia tăng đáng chú ý” (hơn 30%) trong việc sử dụng hyaluronic acid, thường được tiêm như một chất làm đầy khuôn mặt.

Như những năm trước, Mỹ vẫn có nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhất thế giới. Khoảng 7.000 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của Mỹ thực hiện gần 1/4 tổng số ca phẫu thuật trên toàn thế giới. Brazil và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với tỷ lệ lần lượt là 8,9% và 5,7%.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Mexico và Thái Lan được xác định là những điểm đến phổ biến nhất của công dân nước ngoài muốn phẫu thuật thẩm mỹ.

Hút mỡ vượt nâng ngực thành phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất thế giới ảnh 3

Hút mỡ chiếm 14,8% tổng số ca phẫu thuật thẩm mỹ trên toàn thế giới năm 2021.

ISAPS, đại diện cho hơn 5.600 bác sĩ ở 117 quốc gia, đưa ra kết quả khảo sát mới nhất dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 1.000 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Báo cáo chỉ bao gồm các quy trình được thực hiện bởi những bác sĩ được chứng nhận, mặc dù vào năm 2017, TS Debra Johnson, chủ tịch lúc bấy giờ của Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ, nói với CNN rằng “có rất nhiều bác sĩ phẫu thuật không phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cung cấp dịch vụ thẩm mỹ”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?

LIÊN HỆ

phone

Nhận Tư vấn

quote

Báo giá

Facebook