Chụp nhũ ảnh (hay còn gọi là chụp X-quang tuyến vú) cần thận trọng với một số trường hợp như áp xe vú, đặt túi ngực. Vì vậy, khi đi khám tầm soát ung thư vú bạn cần trao đổi điều này với bác sĩ để có chỉ định phù hợp, liệu bạn có thể tiến hành chụp nhũ ảnh hay không. Kỹ thuật này thường khó tiến hành trên người có tạo hình vú (đặt túi ngực, chích silicone trực tiếp), cần một số tư thế chụp đặc biệt. Cụ thể sự khác biệt khi chụp nhũ ảnh có và không có đặt túi ngực như sau:
– Đặt túi ngực (vú có túi tạo hình) có thể mất nhiều thời gian hơn vì cần phải chụp theo nhiều hướng hơn.
– Đặt túi ngực cũng có thể làm cho việc đọc nhũ ảnh trở nên khó khăn hơn vì các cấy ghép bằng silicon hoặc bằng dung dịch nước muối đều không cho tia X đi qua và có thể cản trở không nhìn thấy rõ những mô bên dưới túi ngực, nhất là khi cấy ghép được đặt ở phía trước thay vì ở phía dưới các cơ ngực.
– Đối với chụp nhũ ảnh, kỹ thuật ép vú là việc quan trọng. Kỹ thuật viên hình ảnh sẽ rất cẩn thận và chỉ đè ép tối thiểu trên vú cấy ghép trong suốt quá trình chụp nhũ ảnh.
Thông thường, đối với chị em đã đặt túi ngực, chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú có thể sẽ được lựa chọn để thay thế – đây cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để chẩn đoán và tầm soát ung thư vú.